Những chính sách pháp luật nổi bật tác động đến thị trường bất động sản năm 2021
Theo các chuyên gia, bất động sản hiện đang trong tầm ngắm của các cơ quan quản lý và các giao dịch rủi ro sẽ bị xử lý khi luật bất động sản được chuyển đổi và hoàn thiện.
Điểm lại dấu ấn Pháp lý năm 2021, tác động đến thị trường BĐS. Hiện tại, các doanh nghiệp và NĐT vẫn kỳ vọng thủ tục pháp lý trên thị trường bất động sản sẽ phát triển mạnh mẽ vào năm 2022.
Luật xây dựng sửa đổi 2020
Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có hiệu lực ngày 01/01/2021 đã bổ sung trường hợp được miễn giấy phép xây dựng với nhà ở riêng lẻ, bao gồm: Nhà ở riêng lẻ có quy mô dưới 7 tầng thuộc dự án đầu tư xây dựng khu đô thị, dự án đầu tư xây dựng nhà ở có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
Công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở nông thôn có quy mô dưới 07 tầng và thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; công trình xây dựng cấp IV, nhà ở riêng lẻ ở miền núi, hải đảo thuộc khu vực không có quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng khu chức năng;
Nghị định 69/2021/NĐ-CP
Chính phủ ban hành Nghị định số 69/2021/NĐ-CP ngày 15/7/2021 về “Cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư”. Nghị định được kỳ vọng sẽ giúp đẩy nhanh quá trình cải tạo và xây dựng lại các chung cư cũ. Nghị định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2021 và thay thế Nghị định số 101/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Nghị định số 69/2021/NĐ-CP về cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2021 đang từng bước được triển khai, được kỳ vọng sẽ trở thành “liều thuốc đặc trị” thúc đẩy tiến độ “thay áo mới”, phù hợp với những khu chung cư cũ kẹt cứng hàng chục năm.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có hơn 2.500 chung cư cũ xây dựng trước năm 1994. Trong đó, có tới 25% thuộc diện nguy hiểm cấp độ D, nhưng việc cải tạo trên thực tế vẫn còn diễn ra rất “chậm chạp.
Khẳng định Nghị định 69/2021/NĐ-CP đã giải quyết được một số vướng mắc được xem là cố hữu lâu nay, ông Lê Hoàng Châu-Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng Nghị định là “liều thuốc” hiệu nghiệm góp phần đẩy nhanh tiến độ cải tạo các chung cư cũ. Theo ông Châu, điểm mới của Nghị định 69/2021/NĐ-CP là đã đưa ra được rất nhiều giải pháp như: Nguyên tắc khi lập quy hoạch khu vực nhà chung cư thuộc diện cải tạo, xây dựng lại, cơ quan có thẩm quyền phải xác định một số chỉ tiêu, trong đó “quy mô dân số” phải đảm bảo được tính khả thi và khuyến khích các nhà đầu tư tham gia thực hiện.
Quyết định 2161/QĐ-TTg
Ngày 22/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2161/QĐ-TTg về việc phê duyệt chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Bao gồm 10 nhóm Mục tiêu; Nhiệm vụ và giải pháp phát triển nhà ở và Nghiên cứu sửa đổi pháp luật kinh doanh bất động sản. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ban hành.
Chiến lược đề xuất đến năm 2025, diện tích nhà ở bình quân đầu người cả nước đạt khoảng 27m2 sàn/ người, trong đó: diện tích nhà ở bình quân đầu người khu vực thành thị đạt 28m2 sàn/ người, diện tích nhà ở bình quân đầu người tại khu vực nông thôn đạt 26m2 sàn/người.
Đến năm 2030, phấn đấu nâng tỷ lệ nhà ở kiên cố cả nước lên 85-90%, trong đó khu vực thành thị là 100% và khu vực nông thôn là 75%-80%. 90% nhà ở có hệ thống điện, nước, thoát nước đồng bộ và được kết nối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung của khu vực.