Quốc gia Đông Nam Á này vừa trở thành nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường tài chính vì virus corona
Philippines đã cho tạm ngừng giao dịch chứng khoán, trái phiếu và tiền tệ, biến quốc gia Đông Nam Á này trở thành nước đầu tiên trên thế giới đóng cửa thị trường tài chính để đối phó với virus corona.
Động thái gây tranh cãi được đưa ra khi ngày càng có nhiều quan điểm cho rằng các nước khác sẽ có động thái tương tự để ngăn cú sập thảm khốc của thị trường chứng khoán trong bối cảnh kinh tế toàn cầu lao đao vì đại dịch corona. Tuy nhiên, nhiều sở giao dịch chứng khoán, bao gồm cả NYSE, tuyên bố rằng họ vẫn có kế hoạch để thị trường mở cửa.
Việc đóng cửa thị trường tài chính ở Philippines có hiệu lực vào ngày 17/3, một ngày sau khi Tổng thống Rodrigo Duterte chính thức ban hành quyết định này. Nó đi theo quyết định đóng cửa thủ đô Manila trong vòng 1 tháng để phòng ngừa virus lây lan. Cả đảo chính Luzon, nơi sinh sống của 57 triệu người, cũng đã bị phong tỏa khi dịch bệnh lây nhiễm cho 140 người và làm hơn chục người thiệt mạng.
Chứng khoán Philippines đã giảm 30% trong năm nay, biến nó trở thành một trong những thị trường sụt giảm tồi tệ nhất châu Á. Một quỹ được niêm yết ở Mỹ bước vào thị trường chứng khoán trị giá 188 tỷ USD của Philippines và lỗ tới 19,5% cho đến hôm thứ 2, một ngày trước khi thị trường tuyên bố ngừng giao dịch.
Manny Cruz, chiến lược gia tại Papa Securities, cho biết việc đóng cửa giúp các nhà đầu tư không thể thoát hàng. Tuy nhiên, khi nào thị trường giao dịch trở lại phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh toàn cầu. “Chúng ta sẽ thấy một cuộc bán tháo mạnh mẽ nếu tình trạng yếu kém tiếp tục được duy trì trên toàn cầu. Ngược lại, một cú hồi mạnh có thể diễn ra nếu có sự ổn định trở lại”, Cruz nói.
Đóng cửa thị trường trong thời kỳ khủng hoảng là cực kỳ hiếm nhưng không phải chưa từng có tiền lệ. Thị trường chứng khoán Mỹ từng đóng cửa khoảng 1 tuần sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 trong khi Hồng Kông cũng từng tạm ngừng giao dịch sau cú lập Thứ 2 đen tối năm 1987. Hy Lạp từng đóng cửa thị trường trong suốt 5 tuần năm 2015 vì khủng hoảng kinh tế.
Một cuộc khảo sát với các nhà đầu tư toàn cầu được thực hiện bởi sàn giao dịch chứng khoán Hồng Kông vào tháng 12/1987 cho thấy họ nhất trí rằng việc đóng cửa thị trường gây ảnh hưởng tới danh tiếng của quốc gia đó với quốc tế cũng như làm xói mòn niềm tin, ít nhất là trong ngắn hạn, với thị trường.
Trong khi đó, một số nhà bình luận lại cho rằng các quốc gia, bao gồm cả Mỹ, nên xem xét việc đóng cửa thị trường tạm thời. Tuy nhiên, các sàn giao dịch và cơ quan quản lý, hầu hết, đều đã khước từ ý tưởng này. Các sàn giao dịch chứng khoán tại Hàn Quốc và Indonesia cho biết họ không có kế hoạch đóng cửa thị trường trong khi sàn giao dịch chứng khoán Australia và khu vực duy trì một loạt động thái nhằm đảm bảo trật tự và khả năng phục hồi của thị trường.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Mỹ Jay Clayton thì nói rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động. Adena Friedman, CEO Nasdaq Inc., nhấn mạnh cách tốt nhất là giữ cho thị trường mở cửa. Theo ông Friedman, các doanh nghiệp vẫn cần tăng vốn và nhiều vấn đề sẽ bị dồn nén nếu thị trường đóng cửa. Sàn Giao dịch chứng hoán New York cũng tuyên bố họ sẽ hoạt động bình thường.